4 tính chất cơ bản của âm thanh
Nào, cùng mở sách, chúng ta sẽ thấy âm thanh có 4 tính chất cơ bản: cao độ, trường độ, cường độ và cuối cùng là âm sắc. Diễn giải một cách đơn giản:
- Cao độ. Cao độ giúp chúng ta phân biệt nốt nhạc cao hay thấp
- Trường độ. Trường độ cho chúng ta biết nốt nhạc hoặc âm thanh này ngân dài hay ngắn. Bạn cũng có thể hiểu trường độ là độ ngân (sustain)
- Cường độ. Âm thanh to hay nhỏ, đó chính là cường độ
- Âm sắc. Giọng của tôi và giọng của bạn khác nhau, dễ dàng nhận thấy điều đó bất kể tôi có hát cùng 1 cao độ, cùng 1 cường độ với bạn đi nữa
Vậy những yếu tố này liên quan như thế nào tới xử lý âm học cũng như ứng dụng của xử lý âm học? Nhiều hơn chúng ta nghĩ.
Mối liên quan tới bối cảnh cần xử lý âm học
Khi nói tới sự liên quan giữa 4 tính chất cơ bản của âm thanh và ứng dụng trong xử lý âm học, ta thường phải cân nhắc cả 4 chứ không riêng gì bất cứ một yếu tố nào.
Cao độ của âm thanh giúp chúng ta phân biệt được nốt nhạc nào đang chơi. Các nốt nhạc có cao độ cao thì có tần số cao và ngược lại. Điều này rất quan trọng trong việc nghe rõ ràng phần thể hiện của các nhạc cụ trong bản thu.
Vấn đề trở nên quan trọng hơn khi kết hợp cao độ cùng cường độ hoặc cả 3 yếu tố còn lại. Nếu môi trường âm thanh không tốt, chúng ta sẽ khó nghe ra cao độ cụ thể của 1 số nốt nhạc hoặc 1 số cao độ “tự dưng” nghe quá rõ ràng, lấn át các cao độ khác.
Anh guitar đang chơi hợp âm gì vậy?
Bạn hãy hình dung, khi 1 hợp âm guitar được vang lên. Có 1 trong 2 nốt của hợp âm trội hơn hẳn trong khi 3-4 nốt còn lại… mất tiêu? Điều này ảnh hưởng tới việc chúng ta cảm nhận hoặc đưa ra quyết định xử lý âm thanh. Thay vì để nguyên vì vốn âm thanh hợp âm gốc đã rất cân bằng, chúng ta lại cố giảm cường độ của 2 nốt bị trội. Khi sang một hệ thống âm thanh khác hoặc căn phòng khác vốn không gặp vấn đề âm học tương tự, hợp âm đó vang lên lại bị hụt 2 nốt bạn vừa can thiệp.
Ông bass đánh kỳ thế nhỉ?
Hay trong bối cảnh khác. Khi nghe 1 bản nhạc Jazz Trio, người chơi bass có lối chơi đầy giai điệu cuốn hút. Tuy nhiên, do âm học của căn phòng bạn không tốt. Thế nên có nốt bass bị quá um trong khi nốt khác lại… mất hút. Như bạn đã biết, việc chơi có sắc thái mạnh, nhẹ tinh tế rất quan trọng trong thể hiện cảm xúc. Nhưng ở đây, căn phòng lại tham gia quá thô bạo vào quá trình biểu cảm của người chơi bass. Dẫn tới việc cảm nhận cảm xúc bản thu của bạn bị sai lệch. Nếu bạn là kỹ sư âm thanh? Bạn lại cố gắng cân bằng lại 1 thứ vốn (có thể) đã cân bằng sẵn từ trước!
Sao Kick thì lủng liểng thế này?
Xét tới độ ngân, vốn là thứ tai người cảm nhận khá nhạy bén. Giả sử tiếng kick drum (bass drum) trong bài đang rất gọn. Nhưng căn phòng của bạn lại làm nó nghe có vẻ không chắc lắm, nghe um um, có đuôi dài. Thế là bạn lại hí hoáy tìm cách cắt gọt sao cho nó gọn hơn nữa. Kết quả là ta có một tiếng kick drum vừa mỏng, vừa cụt, vừa thiếu sức sống khi nghe trên hệ thống khác.
Giọng hát nghe mỏng tèo là sao???
Nếu phòng của bạn có quá nhiều bề mặt phẳng, cứng và cỡ phòng nhỏ thì việc âm thanh phát ra trong phòng nghe mỏng toẹt hoặc có âm sắc không tự nhiên là hiện tượng thường thấy. Hiện tượng này sinh ra do âm thanh phản dội từ tường đến tai bạn cùng với âm thanh gốc nhưng lệch nhau 1 chút về thời gian, dẫn tới âm thanh bị nhuộm màu, không còn nguyên vẹn. Lý do cụ thể thì tôi sẽ gợi mở dần trong các bài viết sau. Bài viết này chỉ nhằm mục đích “nâng cao nhận thức” về tầm quan trọng của xử lý âm học mà thôi.
Nhiều vấn đề vậy sao?
Đáng buồn là còn nhiều nữa. :v
Trên đây mới chỉ là vài ví dụ đơn giản minh hoạ cho tác động của phòng tới âm thanh, bản thu của bạn. Cơ mà cũng chẳng lo. Hãy theo dõi blog của Aural Logic. Tôi sẽ chia sẻ nhiều kiến thức, kinh nghiệm hơn nữa giúp bạn dần dần trở thành một người chơi âm thanh, một kỹ sư âm thanh hiểu biết. Bạn sẽ tự có khả năng giải quyết hết các vấn đề này một cách hiệu quả mà không cần phải cướp nhà băng.