Dán mút trứng là xong!
Sai.
Các thiết bị này chỉ có khả năng xử lý các âm thanh ở tần số cao và không có tác động đáng kể lên mid và bass. Kết quả là căn phòng có cảm giác bí, khó xác định phương hướng, nghe nhanh mệt và rất um. Hơn nữa, do chất lượng kém, các loại mút này rất dễ mủn, bạc màu và dễ cháy.
Dán Thảm lên tường cũng giảm đáng kể tiếng vang
Sai.
Tương tự như mút tiêu âm, thảm chủ yếu chỉ có tác động tới tần số cao và trung cao. Dán thảm lên tường chỉ khiến căn phòng càng trở nên mất cân bằng về đáp ứng tần số và âm thanh thiếu tự nhiên. Tần số rất cao sẽ bớt ngân, nhưng tần số trung, bass vẫn sẽ ngân như cũ.
Có thể dùng Mút trong thùng hàng để tiêu âm
Sai.
Thường sử dụng để lót, đệm trong các thùng hàng. Loại mút này thường có cấu trúc tế bào khép kín (Closed-Cell), bởi vậy, tác động tiêu âm của chúng là gần như không có. Ngoài ra, tỷ trọng quá thấp khiến mút đóng gói hàng hóa vô dụng trong cách âm.
Chăn, đệm bông làm basstrap được!
Sai.
Một số người sử dụng chăn, đệm bông và coi nó như đồ vật kỳ diệu để thay thế basstrap khi cần. Thậm chí một số còn đề cao tính năng “cách âm” của chúng. Tuy nhiên, việc cách âm yêu cầu đầu tiên là trọng lượng, thứ 2 là kín khí. Cả 2 đặc tính này đều thiếu ở chăn, đệm bông. Mặt khác, chăn và đệm bông có thể hỗ trợ hấp thụ một chút tần số cao, trung nhưng vấn đề thực sự của các căn phòng nhỏ lại nằm ở tần số trầm và các tác động âm học cộng gộp khác.
Lắp càng nhiều diffuser thì phòng nghe càng hay
Sai.
Việc sử dụng diffuser đang là xu hướng ngày càng được ưa chuộng vì hình thức đẹp, giải quyết được một số vấn đề âm học rất dễ nhận thấy kể cả với các đôi tai thiếu kinh nghiệm như flutter echo, tránh hiện tượng bí tiếng trong phòng.
Tuy nhiên, khi ưu tiên diffuser quá nhiều và sử dụng không đúng cách, kết quả sẽ còn tệ hơn khi bạn… không xử lý gì bởi sự mất cân bằng trong room reverb, room frequency response. Hơn nữa, khi đặt diffuser quá gần, các sóng âm phản dội từ diffuser chưa kịp cộng gộp để hình thành nên khu vực âm thanh phân tán đều, cái bạn nghe được sẽ là các tia âm thanh đơn lẻ khác nhau về phase, dẫn tới giảm độ mượt mà, trung thực của âm thanh trong phòng và có nguy cơ cao bị comb-filtering.
Bass Trap nhiều thì sẽ làm mất Bass?
Sai.
Ngược lại.
Khi có đủ Bass Trap để xử lý toàn bộ các vấn đề liên quan tới tần số trầm, bass nghe sẽ rất đầy, sâu, có lực, sạch sẽ hơn bao giờ hết.
Tiêu âm nhiều quá sẽ làm phòng bị bí, mất tự nhiên và tối
Sai.
Hiện tượng đó chỉ xảy ra khi phòng xử lý không đúng cách. Khi xử lý đúng cách, âm thanh trong phòng sẽ rất sắc nét, rõ ràng, định vị vị trí cực kỳ dễ dàng, tự nhiên.
Chỉ cần cách âm/tiêu âm một hoặc hai mảng tường cụ thể là xong
Sai.
Để có được âm thanh lý tưởng, TẤT CẢ các bề mặt trong phòng đều phải được xử lý! Đây là quan điểm chung của tất cả các chuyên gia âm học vì mảng tưởng trống nào khi chưa được xử lý cũng gây ra các vấn đề âm học.
Thêm càng nhiều lớp vật liệu thì cách âm càng tốt!
Sai.
Đây là tư duy ngây ngô có tiềm năng gây ra những tổn thất lớn về mặt tài chính cho khách hàng và làm tồi tệ thêm khả năng cách âm của thiết kế có sẵn. Trong âm học, những thứ tưởng như rất logic, ví dụ làm 3 bức tường giống nhau thì sẽ cách âm tốt hơn 2 bức tường giống nhau, lại không hề có kết quả như kỳ vọng.
Do đó, một khi đã làm là phải hiểu rất sâu về cơ chế của từng loại thiết bị, thiết kế, vật liệu.