Trải nghiệm âm trầm ở cấp độ gần như hoàn hảo là thứ vô cùng xa xỉ, xa vời với đại đa số người nghe nhạc thông thường. Vì để có được nó, bạn phải có rất nhiều yếu tố. Từ hệ thống âm thanh cao cấp, phòng chuẩn về âm học, diện tích/thể tích phòng phù hợp, toàn bộ căn phòng và thiết bị phải được cấu hình, cân chỉnh chuyên nghiệp… Bởi vậy, bạn sẽ không hề thấy khó khăn khi tìm kiếm những lời than vãn về chất lượng âm trầm trên mạng, trong các diễn đàn về âm nhạc, âm thanh.
Bài viết này sẽ giúp chúng ta tìm hiểu về những vấn đề thường gặp phải về âm trầm, nguyên nhân và mở ra hướng khắc phục trong tương lai.
Đồng bộ Hệ quy chiếu
Trước hết, chúng ta cần thống nhất với nhau 1 điểm cực kỳ hiển nhiên: Tai mỗi người một kiểu, gu mỗi người một ý. Do đó, chán hoặc hay là ý kiến và cảm nhận cá nhân.
Thật ra tôi nói vậy để chiều ý nhiều người thôi. Nếu bạn hỏi riêng chúng tôi thì chúng tôi sẽ trả lời rằng bass chất lượng cao hay thấp đều có thể định lượng hóa bằng các đặc tả kỹ thuật cụ thể chứ không mù mờ chút nào.
Thứ 2, chúng ta cần thống nhất cách hiểu về âm trầm.
Âm trầm (bass) là khoảng tần số thấp nhất trong phạm vi tai người có thể nghe được. Phạm vi của âm trầm thường được quy định từ 20 tới 250 Hz. Tuy nhiên, khu vực thường có nhiều vấn đề nhất, khó xử lý nhất và gây tốn kém nhất nằm ở 20 – 100 Hz.
Thật không may, dù chỉ có phạm vi hẹp (20-250Hz so với khả năng nghe của con người là 20-20.000 Hz), chất lượng của âm trầm lại ảnh hưởng cực lớn tới trải nghiệm nghe nhạc hoặc làm việc chuyên nghiệp về âm thanh.
Bạn nghe 1 bản nhạc dance có phê không, 1 bản nhạc Jazz có cảm nhận hết được sự tinh tế của từng nhịp trống, từng nốt bass không, trải nghiệm xem film có nhất quán giữa nhiều ghế trong phòng không hay ghế thì um ghế thì không nghe thấy bass, bản mix trong studio của bạn có translate tốt ra các hệ thống âm thanh hoặc phòng khác không… (và rất nhiều bối cảnh khác). Tất cả đều bị ảnh hưởng rất lớn bởi chất lượng, độ chính xác của âm trầm trong phòng của bạn.
Âm trầm làm sao mà chán?
Mục tiêu của chúng ta trong phần này là cố gắng cụ thể hóa cái sự “chán” về trải nghiệm âm trầm trong phòng hiện tại của bạn. Hãy cùng nhau điểm qua 1 số “triệu chứng” thường gặp dưới đây:
Nghe không tách biệt rõ ràng nội dung âm trầm tạo ra từ các nhạc cụ, hiệu ứng khác nhau. Tất cả chỉ là 1 quầng mờ mờ không rõ ràng lắm. Bạn không thể phân tách cụ thể đâu là nốt bass sinh ra do kick drum, bass guitar, synthesizer, cello…
Không… sâu. Khi nói về âm trầm nông hay sâu, chúng ta không nói về cường độ mà nói về nhóm tần số thấp nhất mà hệ thống âm thanh có thể tái hiện được và cơ thể chúng ta cảm nhận được. Ví dụ: Trong phòng, bạn chỉ nghe thấy các nốt bass xuống tới 50 Hz, dưới 50Hz, gần như bạn không còn cảm nhận được gì nữa. Khi bạn nghe bass bị nông, có thể hệ thống loa của bạn chưa đủ tốt để đánh tới tần số đó, hoặc vị trí bạn nghe bị triệt tiêu áp suất của nhóm tần số rất thấp ví dụ 20-40 Hz.. Rất nhiều nguyên nhân.
Bass bị hụt đi rất nhiều ở 1 vài nhóm tần số nào đó. Cái này không phải sinh ra do các thiết bị, hệ thống tiêu âm hút mất bass như nhiều người vẫn nghĩ, mà là do các tương tác sóng âm triệt tiêu lẫn nhau bên trong phòng của bạn.
Khi nói tới um, chúng ta thường nói tới 1 hoặc 1 vài tần số trầm trong khoảng 80-200 Hz bị cộng hưởng mạnh, lấn át các tần số xung quanh.
Thậm chí Ù nhức cả đầu! Cảm giác này sinh ra do phòng bạn bị cộng hưởng rất mạnh ở 1 tần số nào đó trong khoảng 20-100 Hz. Các tần số đó có độ ngân rất lâu. Thậm chí khi loa đã ngưng phát nhạc, tần số bị ù có thể tiếp tục ngân trong 1-3 giây hay tệ hơn nữa.
Bạn đã bao giờ có cảm giác như nhạc công chơi đàn bass chưa lên dây chuẩn, nốt bị phô khi nghe trong phòng, nhưng lại không có cảm giác đó khi nghe với headphone chưa? Nếu bạn thực sự để ý, chắc chắn là đã từng có. Khi nốt bass trước đã ngưng, nhưng phòng nó lại làm nốt đó bị ngân thêm, trộn vào nốt bass tiếp theo. Bạn sẽ có cảm giác rất dị. Đặc biệt là trong những đoạn chuyển giọng, lên tông.
- Vừa mỏng vừa nông vừa um vừa ù?!
Làm sao có thể như thế được? Nghe rất vô lý nhưng lại là thật. Ví dụ: Bass phòng bạn vừa bị ù ở 53 Hz, vừa bị nông do 20-45 Hz bị triệt tiêu, vừa bị mỏng do 70-90 Hz bị triệt tiêu, vừa bị um do 150 Hz bị cộng hưởng mạnh. Thật đáng tiếc, đây không phải trường hợp cá biệt. Trái lại, những căn phòng bị nhiều vấn đề 1 lúc ntn rất phổ biến.
- Chỗ thì bass nhức cả đầu, chỗ thì mỏng dính
Trải nghiệm về âm trầm hoàn toàn không ổn định tại nhiều vị trí khác nhau trong phòng. Dẫn tới có rất ít lựa chọn về vị trí ngồi thưởng thức âm nhạc, phim ảnh dù phòng còn khá nhiều diện tích thừa.
Nốt bass người ta đánh nhẹ thì to tổ bố, nốt người ta nhấn thì bé tí hoặc chẳng thấy đâu. Người ta chơi staccato thì nghe cứ như legato vậy. Âm sắc của kick drum, của bass guitar cũng không cảm nhận được cụ thể và rõ ràng.
Nguyên nhân?
1 sự chán mà có tới 9 triệu chứng (vẫn còn chưa đủ) để mô tả. Bạn có thể thấy con đường tới trải nghiệm bass cao cấp của người yêu âm thanh nó dài, nhiều chông gai tới mức nào. Vậy chúng ta hãy cùng điểm qua 1 số nguyên nhân chính dẫn tới các vấn đề trên nhé!
Xử lý Âm học Không Tốt
Đây là một trong những nguyên nhân cực kỳ quan trọng ảnh hưởng tới cả 9 triệu chứng của trải nghiệm bass khó chịu kể trên.
Bạn sẽ không thể có được trải nghiệm âm thanh xuất sắc ở bất cứ một khía cạnh nào, bất cứ một nhóm dải tần nào nếu phòng bạn không được xử lý âm học tốt. Ở đây, tôi nhấn mạnh là xử lý tốt chứ không phải cứ lấy vật liệu tiêu âm hoặc mua sản phẩm tiêu âm bán sẵn gắn, dán khắp phòng.
Chi phí để có được một căn phòng đạt tiêu chuẩn cao về âm học không hề thấp. Đặc biệt là khi căn phòng gặp vấn đề về âm trầm. Bạn đừng bao giờ hy vọng có được trải nghiệm âm trầm lý tưởng chỉ với vài module tiêu âm đơn giản gắn lên vài góc trong phòng.
Nếu mọi thứ đơn giản như vậy, các mastering studio hàng đầu thế giới họ đã không phải bỏ ra một khoản ngân sách rất lớn cho xử lý âm học studio rồi.
Thiết lập Vị trí Loa, Lắp đặt Loa, Vị trí Ngồi Không Tốt
Khi loa đặt trong phòng, thứ âm thanh bạn nghe không bao giờ chỉ đến từ chiếc loa. Nó là sự tổng hợp của cả một sự tương tác rất phức tạp giữa loa, phòng, nơi bạn ngồi cho tới các đồ đạc, nội thất trong phòng.
Việc mô phỏng tương tác của loa trong phòng với 1 tần số cụ thể thì không khó. Nhưng với âm thanh thực sự thì không dễ chút nào. Vì âm thanh chúng ta nghe gồm rất nhiều tần số khác nhau với cường độ biến thiên liên tục.
Cùng một căn phòng, bạn đặt loa chỗ này hay chỗ kia âm trầm sẽ khác. Đôi khi, dịch 5 cm thôi kết quả đo được có thể khác biệt đáng kể. Vị trí ngồi nghe cũng tương tự.
Rồi tới cách lắp đặt hay kê loa. Bạn lắp loa treo hay trên chân loa hay âm tường. Khi lắp đặt bạn có lưu ý tới việc loa tương tác với kết cấu, bề mặt được gắn hoặc đặt loa vào ra sao hay không. Rất nhiều thứ tạo điều kiện cho não của chúng ta có thêm nếp nhăn, qua đó cải thiện sự sướng của cái màng nhĩ.
Cân chỉnh Hệ thống Âm thanh Không Tốt
Cùng 1 hệ thống âm thanh nếu giao vào tay 2 người cân chỉnh độc lập, rất có thể, bạn sẽ nhận được 2 trải nghiệm nghe khác xa nhau dù xem qua trên biểu đồ đáp tuyến mọi thứ có vẻ hao hao giống nhau. Quá dị!
Rất đơn giản, vì cân chỉnh hệ thống âm thanh không phải chỉ đơn giản là làm phẳng đáp tuyến. Người cân chỉnh chuyên nghiệp thực sự sẽ phải tối ưu hệ thống trên rất nhiều khía cạnh kỹ thuật khác của hệ thống âm thanh, cách hệ thống âm thanh tương tác với căn phòng nữa.
Bản thân Căn phòng Không Phù hợp
Có một số căn phòng rất khó cải tạo để trở thành phòng nghe nhạc, xem phim hoặc phòng thu. Âm trầm rất quan tâm tới kích thước, thể tích và kết cấu tường, trần, sàn của bạn.
Nếu phòng của bạn toàn kính, vài tấm rèm hay vài chiếc module tiêu âm không thể giải quyết được âm trầm.
Nếu phòng của bạn quá nhỏ, xử lý để có âm trầm tạm ổn xong bạn sẽ chỉ kê được bộ dàn và 1 cái ghế sofa đơn cỡ nhỏ là gần hết.
Nếu tỉ lệ phòng của bạn quá tệ hoặc dạng hình học quá bất lợi, bạn nên cân nhắc đổi phòng hoặc chọn giải pháp nghe nhạc, làm việc khác vì xử lý âm trầm trong các căn phòng này sẽ rất tốn kém cả về ngân sách và diện tích mà vẫn khó có thể đạt được trải nghiệm âm trầm lý tưởng.
Hệ thống Âm thanh Không Tốt
Đây là nguyên nhân dễ bị đổ lỗi nhất. Nhưng sự thật lại không phải như vậy.
Chúng tôi có lý do để đặt lý do này xuống cuối cùng. Đơn giản vì nó không đóng góp quá nhiều tới trải nghiệm âm trầm tệ hại trong phòng như mọi người vẫn nghĩ. 80% các căn phòng có trải nghiệm âm trầm tệ hại mà chúng tôi đã từng phải xử lý cho khách hàng đều không xuất phát từ hệ thống âm thanh.
Rất nhiều khách hàng đã phải thốt lên rằng họ không còn nhận ra trải nghiệm âm trầm của chính cặp loa cũ sau khi được chúng tôi xử lý lại toàn bộ căn phòng. Mọi thứ khác hẳn và trải nghiệm tốt hơn trước rất nhiều.
Trước khi đổ lỗi cho hệ thống âm thanh vì âm trầm tệ hại trong phòng, bạn cần phải kiểm tra lại hết tất cả các khía cạnh của hệ thống âm thanh. Từ đáp tuyến gốc của hệ thống (không phải đáp tuyến đo trong phòng), độ méo, đáp ứng theo thời gian, áp lực âm thanh tối đa, áp lực âm thanh mong muốn tại vị trí nghe…
Túm cái váy
Trải nghiệm âm trầm kém là một trong những vấn đề lớn nhất và thường gặp nhất, cũng là khó xử lý nhất trong phòng thu, phòng nghe nhạc, phòng xem phim.
Một vài tấm rèm, tấm thảm hay vài module tiêu âm sẽ khó có thể mang lại được chất lượng âm trầm xuất sắc như bạn mong muốn. Trải nghiệm âm trầm hay âm thanh trong phòng là sự kết hợp từ rất nhiều yếu tố, từ hình dạng kích thước phòng, tới các loại kết cấu tường trần sàn, thiết kế âm học, phương pháp lắp đặt cân chỉnh hệ thống âm thanh…
Bài viết này sẽ không giúp bạn cải thiện âm trầm ngay lập tức, nhưng nó giúp bạn hiểu được lý do tại sao bạn gặp phải các vấn đề hiện tại và hướng tìm cách xử lý phù hợp.
Để phân tích sâu hơn, chúng ta sẽ phải cần rất nhiều bài viết, giấy mực. Vì thật sự, nó phức tạp như vậy. Cảm ơn các bạn đã đọc và hẹn gặp lại trong các bài viết sau.