Đây là một cuộc tranh luận sôi nổi trong giới âm nhạc trong nhiều thập kỷ – đĩa vinyl hay đĩa CD mang lại trải nghiệm âm thanh tốt hơn?
Nhiều người nghe nhạc trung thành với đĩa Vinyl bởi âm thanh ấm áp, riêng biệt của nó – và sự thích thú khi sưu tập các album.
Tập đoàn khổng lồ về công nghệ Sony vừa thông báo sẽ tham gia trở lại lĩnh vực sản xuất đĩa vinyl để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, đặc biệt là với những thính giả trẻ tuổi. Có vẻ như định dạng mà nhiều người cho rằng đã chết sẽ lại được ưa chuộng một lần nữa.
Nhưng liệu vinyl có đem đến chất lượng tốt nhất như bạn nghĩ không?
Những vấn đề gặp phải của vinyl
John Smith, Phó giáo sư vật lý tại Đại học New South Wales, cho biết: “Nếu bạn muốn nghe những thứ gần nhất với âm thanh gốc, chắc chắn phải là đĩa CD. Đó là bởi vì những hạn chế vật lý của vinyl. Càng nhiều âm trầm (tần số thấp) trong một bài hát, rãnh của bản thu âm càng phải rộng.
Điều này đặt ra hai vấn đề. Thứ nhất, nó giới hạn lượng nhạc có thể ghi, vì rãnh này chiếm rất nhiều không gian. Thứ hai, đường rãnh rộng dễ khiến cho kim lệch ra khỏi vị trí trên bản ghi, tạo ra sự méo.
Như vậy, để ghi một bản nhạc có chứa các tần số rất thấp, bạn phải giảm mức cường độ tín hiệu âm trầm để đảm bảo chiếc đĩa có đủ sức chứa toàn bộ nội dung. Ngược lại, với tần số cao, cường độ tín hiệu phải tăng lên để đảm bảo rãnh đủ rộng giúp đầu kim có thể tracking theo. Cuối cùng, amplifier sẽ đảo ngược quá trình này – tăng âm trầm và giảm âm cao – NHƯNG \”luôn luôn có một số thông tin bị mất trong quá trình xử lý này\”, theo PGS Smith.
Các hạn chế khác của vinyl đó là độ cong vênh vật lý của đĩa – PGS Smith cho biết đĩa hiếm khi phẳng hoàn toàn và bất kỳ sự sai lệch nhỏ nào cũng có thể khiến kim lên xuống, làm biến dạng cao độ của nốt nhạc. Bụi trên đĩa có thể tạo ra tiếng bật và tiếng lách cách (pops and clicks) vào âm thanh. Hiện tượng này từng xảy ra ở ca khúc đầu tiên trên LP của Led Zeppelin.
Còn CD thì sao?
PGS Smith cho biết, đĩa CD có ít hạn chế hơn nhiều.
Thông tin trên đĩa CD được mã hóa dưới dạng nhị phân – một chuỗi hàng tỷ số 1 và 0 – được đọc bởi đầu laser trong đầu đĩa CD rồi chuyển thành dòng điện. Sau đó, khuếch đại vào loa để tái tạo năng lượng âm thanh. Bởi vì thông tin được đọc bằng laser chứ không phải kim, nên không sinh ra méo tiếng do tiếp xúc của đầu kim chạm vào nhựa vinyl hoặc tiếng nổ lách tách của các hạt bụi trong các rãnh.
Hơn nữa, phương pháp lưu trữ kỹ thuật số của đĩa CD giúp chúng ta không cần điều chỉnh tần số cao và thấp như trên đĩa vinyl.
“Đĩa CD luôn tốt hơn về mặt kỹ thuật nếu bạn đo bằng các công cụ khoa học,” PGS Smith cho biết.
Một bình luận
Ko rành về âm thanh nên ko biết nhưng đĩa than cồng kềnh quá, dùng bất tiện lắm.