Bạn đã mở bài viết này ra thì chắc chắn bạn là người quan tâm thực sự tới âm thanh, bất kể là Audiophile hay kỹ sư âm thanh. Tôi rất vui vì bạn đã muốn quay lại tìm hiểu những thứ đơn giản nhưng quan trọng như thế này. Bởi dựa trên bản chất của âm thanh mà các thiết bị thu âm, mix nhạc, các phương pháp tiêu âm, cách âm mới được phát triển. Vì thế tôi không cần nói thêm về tầm quan trọng của việc học từ gốc rễ nữa phải không nào?
Hãy lấy 1 ví dụ đơn giản, khi bạn bật nhạc với âm lượng lớn trên dàn âm thanh ở nhà. Bạn hãy để ý hoặc thậm chí sờ tay vào màng loa. Bạn sẽ thấy màng loa rung rung. Việc màng loa rung rung sẽ làm áp suất không khí ở xung quanh bị thay đổi.
Khi màng loa đẩy ra, không khí xung quanh bị nén. Khi màng loa co vào, không khí xung quanh bị kéo giãn.
Tai của chúng ta có màng nhĩ là một tấm màng rất mỏng. Tấm màng mỏng này rất nhạy. Nó có thể cảm nhận được sự thay đổi rất nhỏ của áp suất không khí. Nhờ đó, khi màng loa rung làm áp suất không khí biến đổi, màng nhĩ sẽ rung theo sự biến đổi đó. Trên màng nhĩ có các tế bào cảm thụ nhạy với các nhóm tần số khác nhau.
Não sẽ tiếp nhận, phân tích sự rung động cơ học của màng nhĩ, thông tin từ các tế bào cảm thụ và tạo ra ảo giác về âm thanh trong đầu, nhờ đó ta có thể \”nghe\” thấy loa phát gì.
Yes. Chúng ta lại vừa phát hiện ra 2 điều thú vị.
- Thứ 1: Não tham gia vào quá trình nghe. Não là cơ quan trung tâm nơi có rất nhiều quá trình tâm, sinh lý diễn ra. Bởi vậy, ta có thể hiểu có 2 khía cạnh ảnh hưởng tới việc chúng ta nghe âm thanh, đó là: vật lý và tâm lý. Sự rung động, áp suất không khí thuộc về vật lý. Quá trình tiếp nhận, phân tích rung động của màng nhĩ và tạo ra âm thanh trong đầu chúng ta thuộc về tâm sinh lý. Điều đó có nghĩa là cảm nhận của bạn về âm thanh sẽ bị tác động khi bạn vui, buồn, khỏe mạnh hay mệt mỏi. Quá nguy hiểm!
- Thứ 2: Không khí tham gia vào quá trình truyền tải âm thanh đến tai. Bởi vậy cái gì ảnh hưởng tới không khi đều ảnh hưởng tới âm thanh. Cái gì ảnh hưởng tới không khí? Nhiệt độ, độ ẩm, số lượng đồ đạc trong phòng, bề mặt đồ đạc, chất liệu đồ đạc, không gian hình học phòng…
Hỏi vui: Vậy rốt cục loa có phát ra âm thanh hay không?
Tùy lĩnh vực bạn nghiên cứu, nếu là vật lý, câu trả lời là có. Theo cách hiểu của các nhà vật lý:
Âm thanh có bản chất là một rung động được truyền đi dưới dạng sóng cơ học của áp suất qua môi trường không khí hoặc nước.
Bởi vậy, ta có thể hiểu loa có phát ra âm thanh.
Tuy nhiên, nếu bạn là dân tâm lý học. Câu trả lời có thể là không. Đối với họ, âm thanh chỉ đơn giản là kết quả của sự tiếp nhận những sóng nói trên và quá trình cảm nhận của não bộ để tạo ra ảo giác về âm thanh. Hãy nhớ lại những giấc mơ của bạn hay những lúc bạn nghĩ về 1 bài hát, giai điệu nào đó. Lúc này, dù xung quanh bạn không có chiếc loa nào, bạn vẫn “nghe” thấy đầy đủ âm thanh mà? Do đó, loa đâu có phát ra âm thanh? Não đấy chứ!
Thật sự thú vị phải không?